Từ tuần thứ 18 đến 20, xúc giác của thai nhi đã thể hiện rất rõ qua cử động máy. Lúc này bố mẹ có thể thực hành thai giáo cho con bằng cách vỗ nhẹ thành bụng mẹ, vuốt xuống bụng, kết hợp nói chuyện…
Theo bác sĩ Vũ Thị Thanh Dung, thực hành thai giáo cho bé từ khi còn nằm trong bụng mẹ là rất quan trọng. Tiến trình này tác động một cách tích cực và lâu dài của cha mẹ nhằm tối ưu hóa sự phát triển thể chất và trí tuệ của thai nhi. Một trong những bài thai giáo quan trọng mà cha mẹ lưu ý là kích thích 5 giác quan của bé, tùy từng giai đoạn tuổi thai mà có cách tác động khác nhau:
1. Xúc giác
Hình ảnh minh họa
- Vào tuần thứ 7, vài nơi trên cơ thể thai nhi đã tỏ ra mẫn cảm với những đụng chạm. Quan sát qua siêu âm thấy thai nhi có thể cầm nắm dây rốn từ tuần 12 thai kỳ. Cả thân thể bé sẽ có phản ứng xúc giác vào tuần thứ 13 hay 14.
- Xúc giác của thai nhi đã thể hiện rất rõ qua cử động thai máy vào tuần thứ 18-20. Bắt đầu từ thời điểm này, bố mẹ và người thân có thể thực hành thai giáo bằng cách tạo cho con môi trường thai giáo: vỗ thành bụng, vuốt xuống bụng nhẹ nhàng, kết hợp nói chuyện (lưu ý không vò bụng ở đáy tử cung).
- Việc vuốt ve qua thành bụng của mẹ cũng là một cách để tạo mối dây liên hệ mật thiết, sự vỗ về này vào những tháng cuối của thai kỳ cũng giúp người mẹ cảm thấy thích thú khi phân biệt được hình dạng bàn chân hoặc bàn tay, cùi chỏ, đầu gối, mông của bé qua làn da của mình. Động tác ôm bụng vận động nhẹ nhàng giúp bạn có cảm giác như đang bế bé đu đưa sau này.
2. Thính giác
- Từ 8 tuần tuổi thai nhi đã có khả năng nghe nhịp đập của trái tim mẹ. Thính giác của thai nhi phát triển từ giữa tháng thứ 3 và đến giữa thai kỳ, có thể phản ứng lại với âm thanh bên ngoài. Dịch ối giúp thai nhi lơ lửng sẽ dẫn truyền âm thanh tốt. Thai nhi đã biết phân biệt được giọng nói có cảm xúc và có thể chuyển dịch thân nhịp nhàng với lời nói của mẹ (cho dù âm thanh nghe được khá mờ nhạt, giống như nghe thấy ở dưới nước).
- Một số nghiên cứu cho thấy, nếu các bà bầu đến những nơi có âm thanh quá sôi động, tham dự những bữa tiệc quá ồn ào, náo động thì đứa bé trong bụng đạp liên tục.
3. Vị giác
Hình ảnh minh họa
- Từ tuần lễ thứ 13 thai kỳ, các nhà khoa học nhận thấy các dấu hiệu thai nhi đã phát triển khả năng về vị giác. Sang tuần thứ 16, gai lưỡi của bé đã phát triển mạnh để cảm nhận vị. Khi mẹ nếm những vị cay, nồng, mặn, đắng, đứa bé mở miệng ra, nhăn mặt lại.
- Điều các bà mẹ dễ nhận thấy nhất là khi mẹ đói bụng, bé đá vào bụng mẹ, khi mẹ ăn ngon miệng em bé cũng cảm nhận được. Vì vậy, mẹ sẽ lựa chọn những thức ăn bổ dưỡng tốt cho cả mẹ và con, giúp bé làm quen với mùi vị, đồng thời cũng tạo cảm giác ngon miệng cho cả hai mẹ con.
4. Thị giác
- Vào khoảng tuần thứ 20, tim của thai nhi gia tăng nhịp đập nếu chiếu một bóng đèn phía trước tử cung của mẹ. Đó là phản ứng đầu tiên về thị giác của thai nhi. Mặc dù thai nhi được che chắn bởi thành tử cung và bụng mẹ nhưng bé vẫn có thể nhận thấy ánh nắng khi mẹ đang tắm nắng. Có lúc bé phản ứng lại bằng cách ngoảnh mặt đi nếu quá sáng.
5. Khứu giác
- Khảo sát trường hợp những đứa trẻ sinh non, người ta nhận thấy chúng đã có phản ứng với mùi bạc hà ở tuần lễ thứ 29 trong bụng mẹ. Quan sát những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ Ấn Độ thường xuyên ăn món cà ri thì trẻ cũng sẽ quen với mùi vị cà ri khi chào đời.
- Bước sang tuần lễ thứ 36, thai nhi đã có đáp ứng hoàn toàn với mùi. Thời điểm này, khi mẹ ngửi mùi hăng, nồng thì thai nhi sẽ lấy tay che mặt lại, mẹ ngửi hương hoa dễ chịu đứa bé nằm yên để cảm nhận mùi hương. Lời khuyên cho các thai phụ nên đặt trong nhà, nơi làm việc những loại hoa tỏa hương thơm nhẹ nhàng, tạo cảm giác thư giãn và tâm trạng phấn chấn. Điều này sẽ rất tốt cho thai nhi.