Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai sẽ giúp bạn xác định cũng như loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai như: yếu tố dinh dưỡng, cân nặng, bệnh tật… , đồng thời cũng là nhân tố quan trọng làm nên một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Đặc biệt, bạn và anh xã không nên bỏ lỡ 6 loại kiểm tra sau
Hình ảnh minh họa
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ bé cưng mắc bệnh di truyền, các dị tật bẩm sinh, cả bạn và anh xã đều nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai.
1- Kiểm tra vấn đề răng miệng
Hầu hết các loại thuốc và phương pháp điều trị trong nha khoa đều được khuyến cáo nên thận trọng với phụ nữ mang thai. Nếu gặp phải vấn đề răng miệng nào trong thời gian này, chẳng hạn sâu răng, bạn có thể sẽ phải chữa “chay” mà không được dùng thuốc giảm đau. Chưa kể với tình trạng bụng ngày càng lớn, bạn khó có thể nằm yên trong một thời gian dài để bác sĩ kiểm tra và điều trị. Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu, các bệnh về răng miệng cũng có thể là nguyên nhân gây sảy thai, sinh non. Để không phải “ghé thăm” nha sĩ trong thời gian mang thai, tốt nhất bạn nên kiểm tra răng miệng tổng quát từ trước.
2- Xét nghiệm máu
Cơ thể bạn có đang đủ dưỡng chất cần thiết? Bạn cần bổ sung sắt trước khi mang thai? Tiêm phòng trước khi mang thai, bạn cần những vắc-xin nào? Tất cả những câu hỏi này đều sẽ được giải đáp nhờ kết quả xét nghiệm máu. Hơn nữa, xét nghiệm máu còn đo được độ hòa hợp giữa nhóm máu bạn và anh xã. Nếu bạn có nhóm máu Rh âm tính, trong khi nhóm máu anh xã là Rh dương tính, bé cưng có nguy cơ gặp phải Erythroblastosis fetalis rất cao. Erythroblastosis fetalis là một dạng rối loạn máu ở thai nhi hoặc trẻ sơ sinh, xảy ra khi tế bào bạch cầu của mẹ tấn công tế bào hồng cầu của em bé, do không tương thích.
Hình ảnh minh họa
3- Kiểm tra tuyến giáp
Tuyến giáp chịu trách nhiệm sản xuất, lưu trữ và đưa hoóc-môn vào trong máu. Những hoóc-môn này giúp phát triển não, sự hít thở, trao đổi chất và những chức năng quan trọng khác của cơ thể. Rối loạn tuyến giáp là bệnh phổ biến ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản. Rối loạn tuyến giáp có thể chỉ nhẹ như bướu cổ lành tính nhưng cũng có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và bé. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ trong những năm đầu đời.
4-Kiểm tra cân nặng
Không phải nguyên nhân chính gây vô sinh nhưng thừa hoặc thiếu cân có thể là nguyên nhân kéo dài thời gian có tin vui của vợ chồng bạn. Đồng thời, đây cũng là tác nhân gây ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ.
Theo các chuyên gia, những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 19 – 28 có khả năng thụ thai và sinh con khỏe mạnh cao nhất. Ngược lại, phụ nữ quá gầy hoặc quá “đầy đặn” thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe khi mang thai.
Hình ảnh minh họa
5- Xét nghiệm bệnh di truyền
Hầu hết các bệnh di truyền đều không thể điều trị dứt điểm, nhưng nếu phát hiện gen bệnh từ sớm, vợ chồng bạn sẽ hiểu thêm về tình trạng bệnh, mức độ ảnh hưởng đến thai kỳ cũng như cách bảo vệ tốt nhất cho bé con trong tương lai. Hơn nữa, không phải gen mang bệnh nào cũng thể hiện ở trẻ. Ngay cả khi bố lẫn mẹ đều mang gen bệnh, bé cưng cũng chỉ có 25% nguy cơ mang bệnh. 50% trường hợp sẽ mang gen bệnh nhưng không biểu hiện và 25% trường hợp hoàn toàn bình thường.
6- Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm này giúp phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhiễm trùng đường tiểu, viêm tiết niệu hoặc các bệnh lây lan qua đường tình dục. Đây là cơ hội giúp bạn phòng tránh nguy cơ sức khỏe khi bước vào thai kỳ cũng như tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
Theo Blogeva.net 2016-07-28